============== HÀN SĨ NGUYÊN
THI PHÁP
THƠ TỰ DO HIỆN ĐẠI= = = = = = = = = = = = = =
Nếu Thơ Mới ra đời vào khoảng năm 1932, và phát triển như vũ bão trong khoảng 2 thập niên, để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử văn học, thơ ca Việt Nam, với những cái tên lẫy lừng như TTKH, Thâm Tâm, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính v.v…., thì khoảng 23 năm sau, vào năm 1955, trên các thi đàn Việt Nam bắt đầu thấy xuất hiện một thể thơ, mới hơn cả thơ mới nữa, với tên gọi là … Thơ Tự Do.
Thật ra, có thể nói Thơ Tự Do xuất hiện từ rất sớm ở các quốc gia phương Tây : Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nga v.v…và bùng phát mạnh mẽ từ sau Thế Chiến thứ hai, như là một cách giải thoát những uẩn ức, những cô đọng, những chất chứa, được tích luỹ trong thời tao loạn. Tất cả những tích luỹ ấy dồn ép ra thành thơ ca dưới dạng phóng túng nhất của ngòi bút : Thơ Tự Do, với tất cả những phá cách tiêu biểu, như thể là một sự giải phóng của tâm hồn khỏi ách áp bức của những lệ luật, vần điệu cũ vậy.
I-Những đặc trưng điển hình nổi bật của Thơ Tự Do :
1 – Về mặt hình thức :
-Số chữ trong mỗi câu không hạn định : ít nhất một từ, và nhiều thì có thể trên một chục từ. -Số câu cũng không hạn định, và không chia ra thành khổ 4 câu như cũ nữa -Không có những khái niệm về Niêm, Luật, Đối . -Về Vần : cũng không có một luật lệ cố định nào. Nói chung là vần muốn gieo ở đâu cũng được cả.
2 – Về mặt nội dung :
-Thường có nhiều âm thanh, hình tượng, màu sắc đa dạng và phong phú, biểu thị bởi những cách dùng từ hết sức mới lạ, mang tính cách tân, không hàm chứa những hình ảnh cũ kỹ sáo mòn, như trăng vàng, hồ thu, giọt sầu, Tương giang, Dịch thuỷ ….nữa. Thậm chí những từ chỉ các cơ quan sinh dục, các bộ phận thân thể nhạy cảm của cả nam lẫn nữ, những vật thể bình thường hay tầm thường của cuộc đời (gốc cây, hòn sỏi,….), những sinh vật bé bỏng, li ti, gớm ghiếc (theo quan điểm cũ) như ruồi, nhện gián, nhặng …. cũng thấy sử dụng, miêu tả thường xuyên
-Thường có những khái niệm trừu tượng, siêu thực, hoang tưởng, phi vật thể, đôi khi quái dị, đan xen vào nhau thay thế cho những hình tượng cụ thể quen thuộc cũ
-Lời kết đôi khi, hoặc thường khi được bỏ ngỏ, không tròn trịa, có đầu có đuôi như thơ cũ. Để tuỳ người đọc muốn kết luận ra sao thì ra, hoặc hình dung tiếp theo hướng nào cũng được cả.
-Ý thơ thì hết sức đa dạng, không gò gẫm trong bất cứ một khuôn khổ nào, một cách phối trí cố định nào. Nhưng đa phần đều đề cập đến những vấn đề cốt lõi của nhân sinh, của kiếp người. Cũng vẫn trăn trở đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi muôn thuở : Người là ai ? Từ đâu đến ? Sẽ về đâu ? Sống ở đời này để làm gì ? Cõi cực lạc, an bình ở chốn nào ? Đi đường nào để tìm về những cội nguồn hoan lạc ấy ? Người cư xử với người như thế nào cho phải cách ? Quan hệ giữa vô biên và bản ngã là thứ quan hệ gì ? Có hay không có mối quan hệ ấy ? Và thật ra thì có vô biên hay không ? v.v…. Những chủ đề cao siêu như vậy, cách thể hiện lại khác thường, nên Thơ Tự Do thường được hiểu một cách đơn giản và sai lầm như là một loại thơ rối rắm, tối nghĩa, khó tiếp thu, khó nhận thức, khó cảm thụ, khó đọc, và khó nhớ. Thật ra thì không phải như vậy !
II-Thơ Tự Do dễ viết hay khó viết ?
Từ những đặc trưng của thể loại Thơ Tự Do nêu trên, hoàn toàn có thể rút ra được một số ít Kết luận như sau :
1 – Một là, Thơ Tự Do rất dễ viết :
Thậm chí dễ viết đến nỗi ai viết cũng được, chỉ cần là tay ngang, amateur, tài tử, nghiệp dư cũng viết được Thơ Tự Do một cách dễ dàng Có nhiều nhà thơ nghiệp dư, mỗi ngày có thể sáng tác được hàng chục, thậm chí hàng vài chục bài thơ tự do (!), một cách vô cùng thoải mái, mà khỏi cần mất công học hỏi Thi Pháp, vần luật, tiết tấu gì hết (!). Chỉ cần mỗi một điều là có hứng, là cao hứng, nghĩ một đề tài nào đấy, và cứ để xuôi dòng tư tưởng, mạnh tay phóng bút, phang nó ra. Viết xong cũng chẳng cần phải mất công gọt giũa bao giờ (!)
Tóm lại : Thơ Tự Do rất dễ viết .
Nhưng cũng chính vì sự thuận tiện ấy mà thường là người viết chỉ cho ra những sản phẩm loại hai, loại ba, hoặc loại sản phẩm dạng thô mà thôi. Hiếm khi thấy được một bài Thơ Tự Do đạt tính biểu cảm cao độ, và cũng hiếm khi thấy được những bài Thơ Tự Do hoàn hảo. Hiếm, nghĩa là vẫn có, nhưng hoạ hoằn lắm mới có vậy .
2 – Hai là, viết Thơ Tự Do cho hay là rất khó : thậm chí còn vô cùng khó. Tại sao ?
Thật không dễ trả lời câu hỏi này, cũng không dễ trình bày khái niệm này để ai cũng có thể quán triệt xuyên suốt, nhưng có thể tóm tắt gọn gàng như sau : Thơ Tự Do là thành tựu của thi ca hiện đại, là hội tụ của tất cả những gì cổ điển và cổ điển nhất, từ đó mà đưa đến những cách tân, vượt ra ngoài mọi thủ tục, mọi trình tự, mọi lề luật. Do đó, Thơ Tự Do là đỉnh cao thâm nghiêm nhất, vòi vọi nhất, mà người viết muốn viết thành công, không thể không hao tổn công phu, khó nhọc vậy Người xưa nói :”Nghề chơi cũng lắm công phu”. Không thể có cái gì ít tốn công sức mà lại đạt thành tựu to lớn một cách dễ dàng được cả.
Có thể dùng một số hình ảnh thí dụ để dễ so sánh, dễ hiểu hơn như sau : Theo ngôn ngữ kiếm hiệp của KIM DUNG, nếu ai có đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ, sẽ thấy Kim Dung đưa ra quan điểm “Vô chiêu thắng hữu chiêu”. Trong đó, ông lập luận rằng :
-Cấp 1 : Những người không biết gì về võ nghệ, khi đánh nhau chỉ có thể đạt mức đánh … võ rừng, nghĩa là đánh … loạn xạ, không đâu ra đâu cả, và tất nhiên là hiệu quả sẽ không cao. -Cấp 2 : Đối với những người đã dày công học tập, rèn luyện võ nghệ, thì mỗi khi ra đòn đều đúng theo chiêu thức, phương pháp. Tất nhiên hiệu quả đạt được sẽ cao hơn gấp bội. -Cấp 3 : Ở trình độ võ nghệ thượng thừa, sau khi trang bị trong mình đủ các loại võ công, bí kíp, người ra đòn lại đánh theo kiểu “vô chiêu”, nghĩa là chẳng cần chiêu thức nào hết, nhưng mỗi khi vung tay cất chân, đều tự nhiên theo đúng phép tắc tinh luyện, những đòn đánh thì cứ như thể là mây trôi nước chảy vậy. Tất nhiên hiệu quả của “vô chiêu” hơn hẳn “hữu chiêu”.
Đem khái niệm này áp dụng vào Thi ca có thể hiểu được dễ dàng :
-Người không biết gì về Thi Pháp, Vần Luật, Tiết Tấu giống như người không biết võ, khi làm thơ (bất luận thơ gì) sẽ chỉ đạt hiệu quả của nhóm cấp1.
-Những người làm thơ cổ, thơ Lục bát, thơ Đường, thơ Mới, đều phải học tập và nắm vững những quy luật về Thi Pháp, Vần Luật, Tiết Tấu của mỗi loại thơ. Có thể coi như nhóm cấp 2.
-Còn những người sau khi hiểu rõ các quy luật nói trên, quay trở lại làm Thơ Tự Do, chẳng khác nào những võ sư cao thủ sử dụng vô chiêu vậy. Hiệu quả sẽ rất ghê gớm. Đó là nhóm cấp 3 vậy.
Vì vậy, Thơ Tự Do tiếng rằng tự do, không theo quy luật nào cả, nhưng lại là loại thơ khó nhất, dễ viết thật, nhưng viết cho hay lại là … khó nhất. Và đương nhiên, đây không phải là thể loại dành cho những người mới nhập môn như thường được dân gian hiểu lầm. Có thể nói, chỉ những ai lăn lộn với Thi Ca lâu ngày chầy tháng, mới hy vọng có thành tựu với Thơ Tự Do mà thôi.
III-Một bài “ Thơ Tự Do hay ” yên cầu những gì ?
1 – Phải tinh gọn :
-Không được thừa những gì “dư thừa”, tuyệt đối tránh những từ “thì, và, là, mà, cũng, vẫn, để, nhưng, vì, vì thế, dù, dẫu ….v.v…..”
-Không được trùng lặp về cả từ lẫn ý ( Xin lưu ý là Điệp Ngữ là một thủ thuật Mỹ từ pháp như ánh sao trên trời, còn Trùng lặp chỉ là một cách diễn đạt tầm thường, như chân vịt trên mặt bùn vậy : Cả hai thứ “sao trên trời” và “chân vịt trên mặt bùn” đều có 5 cánh, nhưng khác nhau nhiều, nhiều lắm !!!)
-Không sử dụng những từ “lạc lõng” trong một tổng thể thống nhất.
2 – Phải đa dạng và phong phú :
-Không được thiếu những thứ không thể thiếu : hình ảnh, âm thanh, màu sắc, ẩn dụ, dẫn suy v.v….
-Phải phối trí hài hoà trong một bố cục linh động không định trước
-Những hình ảnh, âm thanh, màu sắc ấy khó hơn nữa, không chỉ là những hình ảnh, âm thanh, màu sắc thông thường, mà còn phải là biểu tượng cho một khái niệm trừu tượng, vô hình, siêu thực nào đó nữa (Con nhện, chẳng hạn, không những là một con nhện …, mà còn phải đại diện cho một ý tưởng nào đấy phù hợp với mạch thơ nữa !)
3 – Âm thầm yên cầu một tiết tấu tương thích với bài thơ, ý thơ :
-Tiết tấu nhanh chậm, hoặc thúc hối, hoặc thư thả : mỗi tiết tấu đòi hỏi một thủ pháp riêng biệt.
-Tiết tấu liền lạc, du dương : Dù không có quy tắc cố định về vần (gieo vần ở đâu cũng được, tuỳ ý người viết), nhưng tính chất của một bài thơ vẫn âm thầm đòi hỏi phải có tiết tấu liền lạc, du dương. Nghĩa là các câu vẫn phải ăn vần với nhau ở … chỗ thích hợp (!). Chỗ nào là … chỗ thích hợp ? Chỉ những người có năng khiếu về thơ ca, hoặc những người đã từng lăn lóc với thơ nhiều năm mới biết được chỗ nào là chỗ thích hợp nhất để gieo vần mà thôi ! Và điều này cũng chẳng có một nguyên tắc nào để tổng kết được cả, thường là chỉ dựa trên … “cảm nhận” mà thôi.
-Tiết tấu bổng trầm : Để câu thơ không vấp phải lỗi “khổ độc” (khó đọc), cũng như để đạt được mức độ “êm tai, thánh thót”, mỗi câu thơ dù không tuân theo quy luật nào đi nữa, vẫn phải âm thầm chấp nhận quy tắc “DẠNG SÓNG”, tức “HÌNH SIN”, nói theo kiểu cũ thì đó là luật “Nhị Tứ Lục đảo thanh phân minh”. Nghĩa là nếu chữ thứ hai vần Trắc, thì chữ thứ tư vần Bằng, chữ thứ sáu lại vần Trắc; và ngược lại
IV-Phân Loại các thể loại Thơ Tự Do
Dù là dựa trên hình thức hiển thị hay nội dung hàm chứa, thì Thơ Tự Do nói chung có thể tạm phân chia thành 3 loại : -Thơ Tự Do hướng cổ điển -Thơ Tự Do hướng hiện đại -Thơ Tự Do hướng tạp lục
[Còn tiếp]
= = = = = = = = = = = = = = |